Mọi người trên khắp thế giới đã uống trà trong nhiều thế kỷ, nhưng ấm trà chỉ xuất hiện khoảng 500 năm trước. Vậy trước khi có ấm trà người ta uống trà như thế nào? “người ta uống trà dưới dạng hỗn hợp gồm lá rang xay với các thành phần khác và sấy khô thành những viên hòa tan trong chiếc tách”. Và ấm trà ra đời như thế nào? Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng ấm trà có từ khoảng năm 1500 sau Công nguyên, với sự xuất hiện của ấm trà tử sa ở Trung Quốc. Sử dụng đất sét đỏ và cát tím đặc trưng từ vùng Nghi Hưng ở tỉnh Giang Tô phía đông, những người thợ gốm đã tạo ra những ấm trà nhỏ riêng lẻ với thiết kế tay cầm và vòi mà chúng ta biết ngày nay.
Kể từ khi ấm trà tử sa ra đời, nó đã trở thành báu vật quốc gia và gắn liền với bao huyền thoại ở nước bạn Trung Hoa. Vậy câu hỏi đặt ra, ở Việt Nam thời ấy ấm trà được khai sinh như thế nào?
Ngược dòng thời gian, trở về cuộc thiên di đầu tiên của các cụ liệt tổ, liệt tông khai sinh ra ngôi làng để nhớ lại những gì đã có với dòng sông kì diệu này: Được chiếu vua ban, những người con ưu tú của làng Bồ Bát, làng chuyên về gốm sứ [thuộc Ninh Bình- cố đô Hoa Lư xưa] đã đi dọc dòng sông Hồng và thấy 72 đụn đất trời ban- đất sét trắng, loại đất quý tạo thành gốm và cho ra lò những sản phẩm đặc biệt. Các cụ đã ở lại, gây dựng nên Bạch Thổ phường [một phường làm nghề gốm từ loại đất trắng kia] và qua thời gian, với tài hoa cùng sự nỗ lực phi thường, mảnh đất này đã tạo ra các thế hệ anh tài, vang danh đất Việt và trở thành mảnh đất Bát Tràng được ghi vào sử sách tới ngày nay.
Dần qua thời gian, nhiều người cho rằng, đụn đất thần kỳ không còn nữa, những người con của làng nghề phải đi tìm khai thác đất khắp nơi. Song ít ai biết sự thật này: cho dù là 72 đụn hay gấp hàng ngàn lần con số ấy lên cũng không thể nào cứ vậy mà khai thác mãi được nên các bậc cao niên trong làng nhắc nhở cháu con: đó là con số tượng trưng cho tâm linh và mang ý nghĩa trường tồn, bền vững, mãi mãi chứ không phải là con số đếm được để ngồi đấy hưởng dần. Đến một ngày, tự thế hệ tiếp nối sẽ phải tìm và giải mã cho sự trường tồn bằng chính tấm lòng, trái tim và khối óc của mình.
Cho đến một ngày, chàng thợ gốm Phạm Thế Anh, sinh ra trong dòng họ có 4 đời làm gốm và là một trong số những người con đời thứ 15 của dòng họ Phạm – một trong 23 dòng họ tại Bát Tràng đã được gọi tên. Phải mất 11 năm, từ năm 1993, Anh học từ cục đất, miệt mài bên bàn xoay, tay ngâm trong hồ đất trộn, lem nhem từ đầu tới chân, làm hỏng rồi làm lại nhiều lần, học từng bài men để trở thành một người thợ gốm lành nghề.
Trong những lần được sang Trung Quốc thăm quan và nghe nói về đất Tử Sa với rất nhiều câu chuyện huyền thoại, Phạm Thế Anh đã liên tưởng tới việc xưa kia cha ông làng gốm lấy đất phù sa sông Hồng để tạo thành chất men gốm phủ ngoài cho sản phẩm và anh bắt đầu đưa ra quyết định táo bạo: tại sao nước bạn có thể tạo ra gốm Tử Sa từ một loại đất đặc biệt còn gọi là cát tím mà ta lại không thể tạo được một loại gốm từ phù sa sông Hồng.
Và rồi, Anh đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Với những thử nghiệm ban đầu sụp đổ, những thử nghiệm sau đó cũng không thành công bởi với 100% phù sa đã không tạo ra sự kết khối. Và sau nhiều nỗ lực, mày mò, nghiên cứu nghệ nhân Phạm Thế Anh đã tự tìm ra cho mình công thức loại gốm mới. Loại gốm này được sử dụng 80% phù sa Sông Hồng, còn 20% là đất sét trắng và cao lanh cùng hòa quyện để tạo ra sự kết khối đồng nhất. Sau khi chế tạo thành công dòng gốm này, vì chưa đủ yên tâm nên Anh đã phải thử nghiệm thêm nhiều lần sau đó và cho các đối tác khó tính kiểm nghiệm để cùng đi tới kết luận cuối cùng: phù sa sông Hồng đã làm nên điều thần diệu. Để đánh dấu cho phát minh của mình nghệ nhân Phạm Thế Anh đã đặt tên cho loại gốm này là gốm Hồng Sa – sự kết hợp giữa tên của dòng sông quê mẹ với tên những chắt chiu ngọt lành từ phù sa sông Hồng dành tặng cho anh, cho làng cổ Bát Tràng và cho đất nước Việt Nam.
Một đặc điểm nổi bật của ấm Hồng Sa là khả năng hấp thụ mùi và hương vị của trà, giúp cho trà có vị ngon và tròn vị hơn. Nét độc đáo trong hương vị trà của ấm Hồng Sa đến từ thành phần khoáng vi lượng. Thành thần này có trong chất nguyên liệu phù sa sông Hồng, được giải phóng vào trong nước trà do bề mặt ấm trà không được tráng men, giúp vị trà trở nên mềm hơn khi thưởng thức.
Cùng với xu thế phát triển hiện nay, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng thương hiệu Gốm Thuần Việt tự tin đem lại cho khách hàng sự an tâm khi mua sắm sản phẩm của chúng tôi. Với những mẫu mã đẹp, đơn giản, giá trị thẩm mĩ cao, công năng tốt kết hợp với thông tin chi tiết và hình ảnh mô tả sản phẩm rõ ràng. Tạo dựng phong cách chuyên nghiệp và uy tín, để khách hàng vui vẻ trao gửi trọn vẹn niềm tin.