Uống trà là văn hóa truyền thống từ xưa đến nay của người Việt. Dù là giai đoạn mới hình thành đến khi bị đô hộ, chiến tranh, người Việt vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc. Trải qua từng thời kì, giá trị cốt lõi của nghệ thuật uống trà vẫn được duy trì nhưng có thêm những thay đổi để phù hợp với đời sống. Người việt uống trà xưa và nay có gì khác nhau?
Người Việt uống trà thời xưa:
Trước đây, trà được xem là thức uống đắt tiền và đòi hỏi những yêu cầu cao về dụng cụ pha trà và quy trình pha trà. Uống trà chỉ dành cho giới thượng lưu, những gia đình truyền thống, gia giáo học thức. Người uống trà thời xưa đều là những thi sĩ, không thì cũng quyền cao chức trọng trong xã hội.
Chén trà được sử dụng trong các dịp quan trọng, lễ tết, cưới hỏi, giỗ chạp, hội đình, hội làng… người được mời trà cũng luôn giữ tác phong cung kính, lễ phép và cho rằng đó là một nghi thức tôn nghiêm.
Cách thưởng trà của người Việt xưa cũng vô cùng thanh cao, nhẹ nhàng, nhấp từng ngụm để ngấm sâu tinh hoa của trà mà đánh giá trà ngon, trà càng ngon người được mời càng có giá trị và được trân trọng.
Có thể nói, văn hóa uống trà đã gắn liền với các hoạt động cộng đồng của người Việt xưa, và thấm đẫm tinh hoa văn hóa của dân tộc. Có câu ca “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh” để thấy được sự tinh tế và yêu cầu cao trong trong văn hóa uống trà của người xưa.
Một ấm trà ngon phải có nước trà được lấy từ sương sớm đọng trên lá sen hoặc nước giếng khơi trong vắt ngọt lành.
Tiếp đến là loại trà thượng hạng, cánh trà nhỏ nhắn, cong móc câu, thơm nức, khi pha thoang thoảng hương cốm mới, nước xanh sóng sánh, hương vị đậm đà, chát tiền hậu ngọt.
Thứ ba là cách pha trà, sự khéo léo của người thưởng trà thể hiện rõ nhất ở cách pha trà, cách căn thời gian, cách sử dụng đạo cụ trong quá trình pha trà để ra được chén trà thơm ngon nhất.
Tiếp đến là cách chọn ấm trà, người xưa thường có thói quen sử dụng các ấm sành nâu dày để pha trà, vừa giữ ấm được lâu vừa có nét đẹp gắn liền với văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Cuối cùng là bạn thưởng trà, chén trà ngon có người bạn hiền, “song ẩm” hay “quần ẩm” chính là cách để chỉ số lượng người trong buổi thưởng trà.
Đặc biệt, thi sĩ xưa thích được cùng tri kỉ thường trà, tri kỉ không nhiều nhưng uống trà cùng người có thể tâm giao là điều mà người xưa cho rằng có một buổi thưởng trà trọn vẹn.
Trải qua bao thế hệ, pha trà của người Việt đã nâng tầm lên thành một nghệ thuật, một nghệ thuật với sự sáng tạo và giản dị.
Người Việt uống trà thời nay:
Ngày nay, chính là sự giao thoa của văn hóa uống trà truyền thống và hiện đại. Bởi lẽ, người hiện đại biết sử dụng trà phù hợp từng hoàn cảnh, sự kiện và tính chất công việc.
Khác với người xưa trà chỉ sử dụng như một đồ uống đắt đỏ thì ngày nay trà trở nên đại trà hơn với nhiều phương pháp chế biến: trà xanh truyền thống, trà tươi, trà túi lọc, trà ủ men…
Trà xưa và nay luôn có sự giao thoa.
Trà dần xuất hiện ở khắp các ngõ ngách của người Việt, từ vỉa hè đường phố đến nơi phòng trà truyền thống hay hội nghị quan trọng, trà là thói quen thường ngày chăm sóc sức khỏe của con người. Trà cũng trở nên bớt “cao sang” mà giản dị, gần gũi.
Cách pha trà và phong cách uống trà cũng dần “ dễ dàng” hơn để phù hợp với mọi lứa tuổi và đối tượng. Ngoài việc pha trà truyền thống, người Việt hiện đại đã sản xuấ trà túi lọc cho đối tượng người trẻ trong thời đại công nghiệp, thời gian là vàng là bạc mà vẫn thưởng thức được cốc trà trọn hương thơm và linh hồn của trà.
Nhưng tựu chung lại, dù là thời đại nào, thưởng thức trà ngon những người bạn tri kỉ vẫn luôn là nét đặc trưng không thể thiếu, đằng sau đấy là sự gắn kết và thấu hiểu của những con người mà đã được trà kết nối.
Uống trà xưa và nay dù là ở thời đại nào, người Việt vẫn luôn giữ gìn những nét đẹp vốn có của dân tộc.
TH.